Thị trường mỹ phẩm bán lẻ Việt Nam 2023 đạt quy mô hàng tỷ USD 

Thị trường mỹ phẩm bán lẻ Việt Nam 2023 đạt quy mô hàng tỷ USD 

Sau đại dịch COVID-19, người Việt ngày càng chú trọng hơn trong việc chăm sóc sức khỏe. Trong đó, làm đẹp và mỹ phẩm cũng là lĩnh vực được nhiều người quan tâm. Điều này đã giúp thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt tạo được nhiều sức hút hơn, đồng thời cũng tạo ra sức cạnh tranh lớn hơn.

Theo dữ liệu mới nhất về dân số Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng dân số thuộc tầng lớp trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á. Hiện nay, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026. Khi thu nhập của người dân tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp bản thân cũng tăng lên, qua đó giúp thị trường bán lẻ mỹ phẩm phát triển hơn.

Thị trường mỹ phẩm Việt dự kiến đạt 2.69 tỷ USD vào năm 2027

Trong báo cáo gần đây của Statista về doanh thu của thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt Nam, năm 2022 doanh thu ngành mỹ phẩm đạt mức 2,2 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 2,69 tỷ USD vào năm 2027. Trong năm 2023, Statista dự đoán doanh thu từ thị trường bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam đạt mức 2,36 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) của thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt giai đoạn 2023 – 2027 ước đạt 3,32%.

Thị trường mỹ phẩm Việt dự kiến đạt 2.69 tỷ USD vào năm 2027
Thị trường mỹ phẩm Việt dự kiến đạt 2.69 tỷ USD vào năm 2027

Các thương hiệu mỹ phẩm được yêu thích tại Việt Nam 

Trong thị trường mỹ phẩm Việt Nam, các sản phẩm đến từ Hàn Quốc chiếm ưu thế với 30% tổng thị phần, theo sau là các sản phẩm đến từ Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ. Ngoài ra, các sản phẩm đến từ Trung Quốc và Singapore hiện cũng đang chiếm lĩnh một tỷ lệ thị phần nhất định. 

Không ít thương hiệu toàn cầu đã mở văn phòng đại diện, hoặc xây dựng các kênh phân phối và bán lẻ trực tiếp tại Việt Nam. Thị phần của các hãng mỹ phẩm Việt chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn.

Các thương hiệu mỹ phẩm được yêu thích tại Việt Nam 
Các thương hiệu mỹ phẩm được yêu thích tại Việt Nam

Tiêu biểu như Unilever – chiếm khoảng 12% thị phần Việt Nam, với các thương hiệu nổi tiếng như Pond’s, Beiersdorf Vietnam – với các thương hiệu nổi tiếng như Nivea; LG Vina Cosmetics – với các thương hiệu nổi tiếng như Ohui (phân khúc sản phẩm cao cấp), The Face Shop…, AmorePacific Vietnam – với các thương hiệu nổi tiếng như Laneige, Innisfree…, L’Oreal Vietnam Co Ltd.

Theo khảo sát mới nhất của Q&M về phân tích sử dụng mỹ phẩm Việt Nam 2022, các thương hiệu được yêu thích nhất là top 3 thương hiệu: Innisfree, Mac, Okay, tiếp theo đó là Ponds, Ohui, và The FaceShop. Tất cả 6 thương hiệu này đều là những thương hiệu nổi tiếng quốc tế.

Thị trường mỹ phẩm nội địa giàu tiềm năng

Mới đây, Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me đã công bố kết quả cuộc khảo sát năm 2022 với đối tượng là nữ giới trong độ tuổi 16 – 40 tuổi ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội về mức chi tiêu cho lĩnh vực làm đẹp. Theo đó, 93% phụ nữ từ 25 – 32 tuổi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da thường xuyên. 

Mỹ phẩm được mua chủ yếu thông qua 3 kênh: cửa hàng của thương hiệu, chuỗi cửa hàng chăm sóc sức khỏe & sắc đẹp và trang thương mại điện tử. Số tiền trung bình mà phụ nữ Việt chi tiêu cho mỹ phẩm chăm sóc da là 436.000 đồng mỗi tháng: sản phẩm chăm sóc da được sử dụng nhiều nhất là sữa rửa mặt (77%), nước tẩy trang (66%), kem chống nắng (45%), kem dưỡng ẩm (37%), toner (36%), serum (28%).

Trước đó, vào tháng 12/2022, triển lãm quốc tế Beautycare Expo 2022 đã “trình làng” những sản phẩm, công nghệ mới nhất tại Hà Nội. Tại đây, các nhà quản lý và chuyên gia nhận định, tính riêng thị trường sản phẩm chăm sóc da Việt Nam đạt giá trị gần 770 triệu USD năm 2020 và dự kiến đạt 1,92 tỷ USD vào năm 2027. Đồng thời, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hàng đầu khu vực. Tiêu dùng cho sản phẩm, dịch vụ làm đẹp hiện trở thành khoản chi cố định và ngày càng gia tăng, trở thành nhu cầu thiết yếu của các gia đình.

Bên cạnh đó, xu hướng làm đẹp cho nam tại Việt Nam cũng đã bắt đầu bùng nổ. Đặc biệt đối với thế hệ Gen Z, nam giới không chỉ quan tâm đến mặc đẹp mà còn quan tâm đến việc chăm sóc da, giữ dáng. Giá trị thị trường mỹ phẩm dành riêng cho nam giới cũng đạt khoảng 30 triệu USD – theo kết quả khảo sát của Men Stay Simplicity (MSS). 

Cocoon và Cỏ Mềm chính là 2 đại diện tiêu biểu cho thị trường mỹ phẩm nội địa
Cocoon và Cỏ Mềm chính là 2 đại diện tiêu biểu cho thị trường mỹ phẩm nội địa

Hai đại diện tiêu biểu cho thương hiệu mỹ phẩm nội địa Việt đó là Cocoon và Cỏ Mềm. Có một điều khá thú vị là cả Cocoon lẫn Cỏ Mềm đều có chiến lược phát triển sản phẩm khá giống nhau, theo hướng thuần chay, sử dụng rất nhiều nông sản đặc trưng của Việt Nam và rất biết cách kể chuyện. Cả hai chủ yếu phát triển các dòng sản phẩm cho việc chăm sóc da (mặt và toàn thân), tóc và bám rất sát xu hướng thế giới.

Mỹ phẩm thu hút cả những “ông lớn” trái ngành gia nhập 

Có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2019, BAEMIN ít nhiều đã được người tiêu dùng Việt Nam nhận diện là một ứng dụng gọi đồ ăn có nhận diện thương hiệu trẻ trung, khác biệt.

Nhưng thực tế, hãng này không muốn dừng lại là một ứng dụng gọi đồ ăn mà là một nền tảng phong cách sống. Họ tuyên bố sứ mệnh là “giao niềm vui đến cửa nhà bạn mỗi ngày”. Ngoài ra, công ty này có lợi thế của công ty mẹ là một trong những công ty công nghệ lớn nhất Hàn Quốc, sở hữu mạng lưới đối tác chuyên nghiệp, đa dạng và dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc sức khỏe.

Ông Jinwoo Song, Tổng Giám đốc BAEMIN Việt Nam cho biết thương hiệu Lazy Bee được lên ý tưởng từ năm 2021, nghiên cứu, phát triển và sản xuất tại Hàn Quốc, dựa trên những hiểu biết về đặc tính làn da của người Việt và nhu cầu chăm sóc da thiết yếu hàng ngày của họ.

Lazy Bee là thương hiệu mà Baemin ra mắt tại thị trường Việt Nam
Lazy Bee là thương hiệu mà Baemin ra mắt tại thị trường Việt Nam

Ứng dụng BAEMIN sẽ cung cấp đầy đủ thông tin của sản phẩm, từ nguyên liệu, thành phần, hướng dẫn sử dụng cho tới hình ảnh minh họa để giúp người dùng nắm rõ về nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm.

Trong thời gian tới đây, Lazy Bee sẽ tận dụng các hoạt động trò chơi gắn kết trên ứng dụng, sử dụng chức năng bộ lọc công nghệ để người dùng có thể kiểm tra màu son, thử sản phẩm trực tuyến. Ngoài ra, Lazy Bee dự định sẽ tổ chức các ngày trải nghiệm dành riêng cho khách hàng thân thiết.

Với quy mô của ngành cũng như tốc độ phát triển trong tương lai, lĩnh vực bán lẻ mỹ phẩm & làm đẹp tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển, và sẽ không ngạc nhiên khi trong thời gian tới sẽ có thêm các đơn vị khác tranh giành “miếng bánh” tiềm năng này.


Tham khảo thêm về những tin tức,sự kiện kinh tế khác cùng Nhượng Quyền Việt, xem tại đây!

Để quảng cáo thương hiệu nhượng quyền, đăng tin cho thuê mặt bằng, đăng tin tuyển dụng vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua hello@nhuongquyenviet.vn

Nguồn: Vietdata

Rate this post
Translate »