Tiêu dùng thông minh ngày càng phát triển

Tiêu dùng thông minh ngày càng phát triển

Trước xu hướng mua sắm thay đổi, người tiêu dùng thiên về mua hàng trực tuyến hơn là đến tận nơi lựa chọn sản phẩm. Nhiều đại lý, cửa hàng quần áo, thời trang, đồ gia dụng… đang tìm cách thích ứng nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường.

Ưu thế tiêu dùng vượt trội của thương mại điện tử

Trong xu thế của thời kỳ kinh tế số, các kênh thương mại điện tử đang dần chiếm lĩnh được ưu thế vượt trội so với các kênh bán hàng truyền thống. Và nếu muốn trụ vững được trên thị trường, người bán hàng buộc phải tìm cách thích ứng. Không còn phụ thuộc vào buôn bán trực tiếp tại cửa hàng, nhiều shop đầu tư xây dựng các kênh kinh doanh online.

Ưu thế vượt trội của thương mại điện tử
Ưu thế tiêu dùng vượt trội của thương mại điện tử

Giới chuyên gia nhận định, kinh doanh trên thương mại điện tử đã mở rộng tới nhiều kênh, trong đó có 4 kênh chính gồm: Bán hàng qua hoạt động marketing; mở gian hàng trên các mạng xã hội Zalo, Facebook, Instagram; mở cửa hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo và điểm bán quét QR để mua hàng…

Tận dụng AI để phát triển

Theo số liệu ước tính của Bộ Công Thương, thương mại điện tử đã đạt mức tăng trưởng trên 20% trong năm 2021 với quy mô trên 16 tỷ USD, và tiếp tục tăng cao trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid -19. Bên cạnh đó, giai đoạn 2021 – 2025 được dự báo khoảng thời gian sẽ bùng nổ loại hình kinh doanh bằng cách livestream tại Việt Nam.

Một khảo sát của Q&Me với 307 người thường xuyên mua sắm trực tuyến trong độ tuổi 18 – 39 cho thấy 40% số này có hành vi mua sắm vài lần/tuần và 25% mua một lần/tuần. Có 24% người được hỏi cho biết mua hàng online một lần trong vòng 2 – 3 tuần và chỉ có 12% mua một lần mỗi tháng.

Và để có thể thích ứng với xu thế của kinh tế số, các chủ cửa hàng, đại lý, hộ kinh doanh đã phải đầu tư công nghệ, tuyển dụng các vị trí mới mà trước đây không xuất hiện ở loại hình kinh doanh truyền thống như: Người mẫu livestream, biên tập viên… để xây dựng đội ngũ bán hàng online. Các vị trí này sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các buổi bán hàng online. Điều này, cũng thêm một lần khẳng định về trình độ lao động, chất lượng nguồn nhân lực cần được nâng cao trong bối cảnh mới.

Khảo sát hơn 7.000 doanh nghiệp của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, có tới 65% doanh nghiệp triển khai hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội mang lại hiệu quả cao.

Nhận định về bức tranh phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam, bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ trong thời gian qua. Ngay cả trong những năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 2 con số, vào khoảng 15% cho mỗi năm.

Hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội mang lại hiệu quả cao
Hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội mang lại hiệu quả cao

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thương mại điện tử Việt Nam mới phát triển ở giai đoạn đầu, quy mô chưa thực sự lớn, mới chỉ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Bởi vậy, kênh thương mại điện tử còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Thế giới đang đứng trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của các công nghệ mới cũng như trí tuệ nhân tạo (AI), các mô hình kinh doanh mới và xu hướng thương mại điện tử thông minh. Đồng thời, người tiêu dùng có nhiều thay đổi trong hành vi mua sắm… là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của loại hình thương mại điện tử.

Để khai thác tiềm năng của thương mại điện tử, nhất là thời kỳ phát triển AI hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp cần nhanh chóng cập nhật và nắm bắt kịp thời xu hướng mới để tránh bị bỏ lại phía sau.

Theo nhận định của NielsenIQ Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng mua sắm theo cách thông minh hơn. Cụ thể họ chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn tại các kênh bán hàng trực tuyến uy tín, các sàn thương mại điện tử lớn nhằm tiết giảm chi phí và bảo đảm chất lượng hàng hóa. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần thích ứng với xu hướng này để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Về xu thế của thương mại điện tử, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhấn mạnh: Thương mại điện tử thông minh sẽ là xu hướng nổi bật trong năm 2023 khi AI được xem là một xu hướng phát triển tất yếu. Ứng dụng AI sẽ làm thay đổi toàn diện ngành thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam.


Tham khảo thêm về những tin tức,sự kiện kinh tế khác cùng Nhượng Quyền Việt, xem tại đây!

Để quảng cáo thương hiệu nhượng quyền, đăng tin cho thuê mặt bằng, đăng tin tuyển dụng vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua hello@nhuongquyenviet.v

Rate this post
Translate »