Việt Nam đã từ lâu được biết đến là một trong những quốc gia sở hữu nền văn hóa độc đáo và lâu đời về thưởng thức cà phê. Thói quen sử dụng cà phê hàng ngày đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của đa số người dân Việt Nam.
Dù trong tình trạng rảnh rỗi hay bận rộn, người Việt vẫn tìm thời gian cùng nhau thưởng thức một tách cà phê để trò chuyện hoặc bàn bạc hợp tác. Vì vậy, thị trường đồ uống nói chung và thị trường cà phê nói riêng ở Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ.
Tổng quan thị trường thương hiệu quán cà phê năm 2023
Theo báo cáo gần đây, quy mô của thị trường chuỗi nhà hàng và đồ uống tại Việt Nam hiện được ước tính lên đến khoảng 1,3 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ thâm nhập của các chuỗi F&B (Food & Beverage) vào thị trường mới chỉ đạt mức 5%.
Nguyên nhân là do văn hóa ẩm thực của người Việt ưa thích những quán nhỏ, thuận tiện ở ven đường. Chi tiêu cho thức uống phục vụ tại cửa hàng vẫn còn thấp so với những nước Đông Á, tạo nên cơ hội tăng trưởng mạnh trong tương lai.
Bất chấp những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2023 vẫn là một năm đầy sôi động của thị trường F&B Việt. Sau hai năm khó khăn do đại dịch Covid-19, những thương hiệu đồ uống vẫn tồn tại và tìm cách mở rộng quy mô cửa hàng cũng như tăng thị phần trên thị trường.
Theo báo cáo gần đây, số lượng cửa hàng cà phê tại Việt Nam trong năm 2023 đã tăng đáng kể, nhờ vào sự mở rộng mạnh mẽ từ các thương hiệu nổi tiếng như Highlands, Phúc Long và Trung Nguyên E-Coffee. Từ năm 2019 đến nay, số lượng cửa hàng cà phê đã tăng từ 816 lên 1657 cửa hàng.
Chỉ trong vòng hai năm gần đây, từ tháng 3 năm 2021 đến tháng 2 năm 2023, tổng số lượng cửa hàng của ba thương hiệu dẫn đầu về thị phần như Highlands Coffee, Phúc Long và Starbucks đã mở thêm hơn 1.000 điểm bán mới.
Không chỉ có sự xuất hiện của các thương hiệu lớn, sự bứt phá của các thương hiệu mới trên thị trường đồ uống Việt như Mixue, Phê La, Katinat, Cheese Coffee… đang khiến cuộc cạnh tranh ngày càng trở nên không thể dự đoán và khốc liệt hơn.
Gần đây, vào tháng 4 năm 2023, Mixue đã đạt mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam chỉ sau 5 năm tham gia thị trường. Phê La cũng đã tạo ra sự ngạc nhiên khi mở thêm một chi nhánh mới tại Hội An và giới thiệu những bộ sưu tập độc đáo trên mạng xã hội.
Một “ngôi sao mới” đáng chú ý là Katinat Saigon Cafe, đã thu hút nhiều sự chú ý khi vượt qua cả Phúc Long và Starbucks trên bảng xếp hạng các chuỗi đồ uống được quan tâm nhất trên mạng xã hội. Đồng thời, thương hiệu này cũng đã đạt thành tựu 50 cửa hàng, tất cả đều nằm ở vị trí đắc địa và thu hút nhiều khách hàng.
Tình hình kinh doanh của hai thương hiệu TOP đầu
Trung Nguyên Legend
Cà phê Trung Nguyên là một trong những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam. Ra đời năm 1996, Trung Nguyên đã đưa những hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, đưa tới hàng triệu cốc cà phê thơm ngon mỗi ngày cho người dùng.
Đến nay, Trung Nguyên E-Coffee đã có hơn 700 cửa hàng khắp các tỉnh thành trong nước, hơn 1.000 hợp đồng nhượng quyền được ký kết thành công, góp phần hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp thành công của cộng đồng đam mê cà phê trong suốt thời gian qua.
Doanh thu của Trung Nguyên Legend ghi nhận tăng liên tục trong ba năm. Năm 2020, doanh thu của tập đoàn đạt hơn 4200 tỷ đồng. Con số này tăng nhẹ 6% vào năm 2021 và tăng thêm 38.5% vào năm 2022, đạt gần 6200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu có sự thay đổi liên tục. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận đạt gần 130 tỷ đồng. Đến năm 2021, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 337%, đạt mức hơn 560 tỷ đồng. Sau đó lợi nhuận sau thuế giảm 23% vào năm 2022, đạt gần 435 tỷ đồng.
Highlands Coffee
Bước vào thị trường từ những năm cuối của thế kỷ 20, từ một điểm bán cà phê gói chuyển sang hình thành một cửa hàng cà phê, và từ đó Highlands Coffee dần dần được biết đến rộng rãi, và dần trở nên nổi tiếng.
Sau hơn 10 năm phát triển, thương hiệu Highlands Coffee đã được chuyển nhượng cho Jollibee và từ đó phát triển một cách mạnh mẽ và Highlands đã trở thành “anh cả” trong các chuỗi thương hiệu trà cà phê ở Việt Nam vào những năm 2020. Tính đến tháng 5/2023 chuỗi này có 635 cửa hàng và có sự chênh lệch lớn giữa Hà Nội (144 cửa hàng) và TP. HCM (201 cửa hàng).
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Highlands Coffee ghi nhận xu hướng thay đổi liên tục trong giai đoạn 2020 – 2022. Cụ thể. năm 2020, doanh thu của thương hiệu đạt gần 2150 nghìn tỷ đồng. Con số này giảm 19% vào năm 2021 và tăng thêm 38.5% vào năm 2022, đạt hơn 3500 tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt gần 80 tỷ đồng. Con số này giảm xuống mức âm 85 tỷ đồng vào năm 2021 sau đó ghi nhận mức lợi nhuận dương trở lại vào năm 2022, đạt gần 270 tỷ đồng.
Việt Nam với nền văn hóa thưởng thức cà phê độc đáo đang là môi trường phát triển cho thị trường F&B đầy triển vọng. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với mục tiêu theo đuổi sự phát triển bền vững và luôn có tính sáng tạo trong sản phẩm, các thương hiệu đồ uống vẫn đang góp phần giúp thị trường này vươn lên, gia tăng các cửa hàng mới và mở rộng thị phần.
Tham khảo thêm về những tin tức,sự kiện kinh tế khác cùng Nhượng Quyền Việt, xem tại đây!
Để quảng cáo thương hiệu nhượng quyền, đăng tin cho thuê mặt bằng, đăng tin tuyển dụng vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua hello@nhuongquyenviet.vn