Cơ hội nào cho sự phát triển của các mạng xã hội “Made in VietNam”?

Cơ hội nào cho sự phát triển của các mạng xã hội “Made in VietNam”?

Theo thống kê của VnNetwork vào tháng 1/2023 cho thấy, hơn 70 triệu người dùng mạng xã hội sinh sống tại Việt Nam, chiếm 71% dân số cả nước. Trong đó, có 64,4 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên, chiếm tỷ lệ 89,9%. Vnetwork cũng cho biết mạng xã hội của Việt Nam hiện nay đang có tốc độ phát triển “chóng mặt” và không có dấu hiệu chững lại.

Với lượng người dùng lớn, Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng để phát triển các ứng dụng liên quan đến mạng xã hội. Zalo, Mocha, Hahalolo, Lotus,… là những trang mạng xã hội “made in Việt Nam” ra đời trong xu thế đó, tuy nhiên, không phải mạng xã hội thương hiệu Việt nào cũng tìm được chỗ đứng trên chính thị trường nội địa.

Những mạng xã hội từng xuất hiện

Ra đời từ sớm và là cái tên hiếm hoi còn trụ lại trên thị trường, Zalo là nền tảng mạng xã hội Việt Nam phổ biến nhất, được phát triển bởi VNG.

Thương hiệu này được giới thiệu ra thị trường từ năm 2012 và bùng nổ vào giai đoạn hoàng kim của mạng xã hội khi đạt mốc 10 triệu người dùng vào năm 2014 và con số này tăng lên 100 triệu tài khoản vào giữa năm 2018.

Zalo là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam
Zalo là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam

Cùng một chủ với Zalo, Zing Me là một mạng xã hội được ra đời cùng lúc với các tựa game online bắt đầu phổ biến tại Việt Nam. Được một công ty chuyên về sáng tạo và phát triển game là VNG (khi đó là Vinagame) đứng sau, Zing Me nhanh chóng thu hút được lượng lớn các bạn trẻ, trong đó chủ yếu là các game thủ tham gia. 

Vào thời kỳ hoàng kim năm 2011, Zing Me thậm chí đã có số lượng khách truy cập đạt 6,8 triệu người, cao gấp 2 lần so với 3,1 triệu người của Facebook vào thời điểm đó. Thế nhưng, do chỉ tập trung vào người dùng là các game thủ nên Zing Me dần trở nên “yếu thế” so với các mạng xã hội khác như Facebook, Instagram,… Đến năm 2020, VNG quyết định đóng cửa mạng xã hội này.

Cùng ra đời, năm 2019, Gapo là một trường hợp đáng chú ý trong những cái tên mạng xã hội Việt Nam. Thời điểm đó, Công ty Cổ phần công nghệ Gapo đã tổ chức sự kiện ra mắt mạng xã hội cùng tên với số vốn đầu tư lên tới 500 tỷ đồng. Ông Phùng Anh Tuấn, nhà sáng lập F88 được cho là nhân vật đứng sau sự ra đời của mạng xã hội này.

Tại lễ ra mắt, Gapo công bố tham vọng đạt 50 triệu người dùng sau 3 năm thành lập. Chưa đầy 2 tháng sau khi ra mắt, Gapo đã thông báo cán mốc 2 triệu người dùng và tiếp tục tăng trưởng với tốc độ ấn tượng. Thế nhưng, mạng xã hội này cũng liên tiếp chịu những lời chê bai, phàn nàn về các sự cố, tính năng từ người dùng.

Mạng xã hội Gapo chỉ mới đạt được con số hơn 6 triệu người dùng sau 4 năm ra mắt, rời xa kế hoạch ban đầu được đề ra.
Mạng xã hội Gapo chỉ mới đạt được con số hơn 6 triệu người dùng sau 4 năm ra mắt, rời xa kế hoạch ban đầu được đề ra.

Cũng trong năm 2019, mạng xã hội Lotus do Công ty cổ phần VCcorp sáng lập cũng đã “gây sốt” khi tuyên bố số vốn đầu tư lên tới 1.200 tỷ đồng. Với định hướng phát triển all in one, Lotus có kế hoạch hợp tác với hàng loạt KOLs, tờ báo, đài truyền hình,… Mạng xã hội này nhiều người kỳ vọng có thể đủ sức để cạnh tranh trực tiếp với Facebook. Tuy vậy, sau một thời gian rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, đến nay Lotus chỉ mới có hơn 1 triệu lượt tải trên CH Play, thậm chí trên kho ứng dụng App Store, Lotus còn nhận về lượt đánh giá 3,2 sao.

Mạng xã hội Việt lép vế trên “sân nhà”

Ngoại trừ Zalo, với định hướng nền tảng của một mạng xã hội trò chuyện dành cho người Việt và sự hậu thuẫn đến từ giới chủ ngoại, hầu hết những cái tên còn lại đều lép vế trên sân nhà khi đấu với các mạng xã hội quốc tế.

Thống kê của trang datareport cho biết, vào đầu 2022, số lượng người sử dụng Facebook tại Việt Nam đã đạt tới con số xấp xỉ 70 triệu người dùng, Youtube đạt 62 triệu người, Instagram đạt 11 triệu người. Những con số trên đã chứng minh một thực tế rằng thị trường mạng xã hội trăm triệu dân gần như là cuộc chơi của các tên tuổi nước ngoài.

Theo giới chuyên môn, một trong những yếu tố tác động đến sự mất cân bằng trong thị phần mạng xã hội chính là việc các thương hiệu Việt Nam ít có sự đổi mới, không đủ sức hấp dẫn so với các mạng xã hội khác như Facebook, Tiktok,… Hơn nữa, những tính năng ưu việt và cộng đồng người sử dụng khủng từ quốc tế cũng là điều khiến Facebook, Youtube… thể hiện sự vượt trội so với các mạng xã hội nội địa Việt.

Có nhiều yếu tố dẫn đến MXH Việt lép vế trên sân nhà
Có nhiều yếu tố dẫn đến MXH Việt lép vế trên sân nhà

Vấn đề pháp lý cũng là yếu tố tác động đến thị trường mạng xã hội khi các ứng dụng trong nước phải có giấy phép và chịu nhiều sự ràng buộc liên quan đến các quy định của pháp luật, trong khi các MXH nước ngoài không có văn phòng đại diện tại Việt Nam nên không chịu nhiều sự ràng buộc so với các doanh nghiệp Việt.

Muốn tồn tại và phát triển ở thị trường trăm triệu dân, các đơn vị phát triển mạng xã hội khác cần phải vạch ra rõ kế hoạch phát triển, thấu hiểu thị trường nội địa để phục vụ nhu cầu của người Việt Nam. Quan trọng nhất, các nhà phát triển cần phải biết mình đang ở vị trí nào, nên bắt đầu từ đâu, nếu không sẽ dần đánh mất niềm tin với người sử dụng và dần đi đến tình trạng “chết yểu”.


Tham khảo thêm về những tin tức,sự kiện kinh tế khác cùng Nhượng Quyền Việt, xem tại đây!

Để quảng cáo thương hiệu nhượng quyền, đăng tin cho thuê mặt bằng, đăng tin tuyển dụng vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua hello@nhuongquyenviet.vn

 

Rate this post
Translate »