Theo khảo sát về tình hình chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự hiểu biết về chuyển đổi.
Nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại, chưa quyết tâm chuyển đổi do hạn chế về tài chính, năng lực, hạ tầng kết nối của thương mại điện tử, kinh tế số, cũng như lo ngại về an toàn an ninh thông tin…
Sáng nay (16/12), tại TP.HCM, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS – Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi số ngành Công Thương. Tham dự có nhiềudoanh nghiệp cung cấp các giải pháp phần mềm và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, hiện nay hơn 92% doanh nghiệp đã có sự quan tâm đến ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, chưa có đến 10% trong số các doanh nghiệp nhận định việc chuyển đổi số đã thành công và có thể mang lại giá trị trọng yếu cho doanh nghiệp.
Riêng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi số chưa nhiều. Khoảng hơn 90% doanh nghiệp trong số này chưa thực sự hiểu biết về chuyển đổi số và tầm quan trọng của chuyển đổi số; hơn 70% số doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu. Trong thực tế, các doanh nghiệp thương mại đầu tư chuyển đổi số nhiều hơn doanh nghiệp sản xuất.
Trong khi chuyển đổi số hiện nay là yêu cầu sống còn của doanh nghiệp. Chính phủ đã có chủ trương, định hướng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại, chưa quyết tâm chuyển đổi do hạn chế về tài chính, năng lực, hạ tầng kết nối của thương mại điện tử, kinh tế số, cũng như lo ngại về an toàn an ninh thông tin…
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang xây dựng Hệ sinh thái chuyển đổi số ngành Công Thương và sẽ triển khai trong thời gian tới. Mục tiêu đầu tiên của hệ sinh thái này là phải làm thay đổi nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về hiệu quả chuyển đối số.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết thêm, quá trình triển khai đầu tiên của Cục sẽ là hệ thống đánh giá mức độ của doanh nghiệp. “Chúng ta phải biết doanh nghiệp chuyển đổi ở vị trí nào và ở đâu? Hệ thống đánh giá tín nhiệm, giới thiệu các giải pháp công nghệ nào phù hợp với quy mô doanh nghiệp nào? Phù hợp với tình trạng doanh nghiệp ra sao nên rất cần thiết phải có có hệ thống đánh giá tín nhiệm”, bà Lại Việt Anh đề xuất.
Hiện nay, các Bộ, ngành địa phương, các cơ quan doanh nghiệp đều quan tâm đến chuyển đổi số, hiện nay nhiều đơn vị đã triển khai các mô hình về đào tạo, tư vấn, cung cấp các giải pháp cho quản trị doanh nghiệp. Song, hiện nay, chúng ta đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi số.
Trong thời gian tới, các cơ quan, ban ngành, hiệp hội sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số như hỗ trợ kinh phí, thí điểm ứng dụng sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp… Qua đó, góp phần giúp doanh nghiệp nhanh chóng bắt nhịp xu hướng và hoạt động hiệu quả hơn.
Tham khảo thêm về những thông tin về sự kiện kinh tế khác cùng Nhượng Quyền Việt, xem tại đây!
Để quảng cáo thương hiệu nhượng quyền, đăng tin cho thuê mặt bằng, đăng tin tuyển dụng vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua hello@nhuongquyenviet.vn