Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay đang chứng kiến sự phát triển của nhiều tên tuổi bán lẻ trên khắp thế giới. Điều này khiến đường đua kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng khốc liệt. Theo báo cáo của Bộ Công Thương vừa công bố cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP. Những con số này phần nào khẳng định sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Một số doanh nghiệp nước ngoài nổi tiếng về chuỗi các siêu thị bán lẻ như các thương hiệu đến từ Thái Lan (Central Group với GO! và Top Market), Hàn Quốc (Lotte Mart), Nhật Bản (siêu thị Aeon), Mega Market (Thái Lan),…
Việc các nhà bán lẻ nước ngoài đổ vốn vào thị trường Việt Nam đã gây sức ép nhất định đến miếng bánh thị phần kinh doanh siêu thị của doanh nghiệp bán lẻ nội địa. Điều này cũng thôi thúc các doanh nghiệp Việt tìm hướng đi để cạnh tranh với doanh nghiệp FDI.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành bán lẻ Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Mở đầu cho sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt với nhau là hai tập đoàn Masan Group và Vingroup để trở thành 1 tập đoàn sản xuất và bán lẻ lớn của Việt Nam. Hệ thống cửa hàng bán lẻ WinMart của Công ty CP Tập đoàn Masan gần như không có đối thủ trong phân khúc hệ thống cửa hàng bán lẻ tại khu dân cư.
Cuối năm 2021, THISO – Tổng Công ty thành viên thuộc Tập đoàn THACO, chính thức hoàn tất ký kết thỏa thuận chuyển nhượng vốn và nhượng quyền độc quyền hoạt động kinh doanh với Emart Inc. Với mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2026: mở 20 đại siêu thị Emart, doanh số 1 tỷ USD và dẫn đầu thị trường đại siêu thị tại Việt Nam.
Xu hướng bán lẻ của các doanh nghiệp xây dựng chuỗi siêu thị
Sau Covid-19, một bộ phận lớn người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu làm quen với thương mại điện tử, điều này tạo chuyển dịch mạnh mẽ sang xu hướng mua sắm đa kênh. Đây là xu hướng dài hạn mà các nhà bán lẻ cần chú trọng bởi vì người tiêu dùng ngày nay đang cởi mở trong lựa chọn. Họ sẵn sàng thay đổi thương hiệu, thay đổi địa điểm khi mua hàng để thực hiện một cách thuận tiện nhất.
Nói cách khác, các nhà bán lẻ nên đầu tư nhiều hơn vào chuyển đổi số để tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Đồng thời, cần tập trung mang đến sự linh hoạt và minh bạch thông tin cho người dùng, như cho phép khách hàng theo dõi quá trình vận chuyển hoặc lựa chọn thời gian nhận hàng.
Một xu hướng khác trong bán lẻ là mua sắm giải trí, sáng tạo nội dung số đi kèm với tiếp thị sản phẩm. Đây là hình thức kinh doanh đã khởi sinh từ trong đại dịch và sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong những năm tới.
Tham khảo thêm về những tin tức,sự kiện kinh tế khác cùng Nhượng Quyền Việt, xem tại đây!
Để quảng cáo thương hiệu nhượng quyền, đăng tin cho thuê mặt bằng, đăng tin tuyển dụng vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua hello@nhuongquyenviet.vn