Kinh tế thế giới sẽ ra sao vào năm 2023?

Kinh thế thế giới sẽ thay đổi ra sao năm 2023

Theo Bloomberg, kinh tế năm 2022 là một năm ảm đạm với nền kinh tế toàn cầu và những gì xảy ra vào năm sau có thể tệ hơn nữa.

Lịch sử cho thấy các đợt tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái. Cùng với đó, giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng cũng sẽ không phải điều quá ngạc nhiên với nhiều người. Trong khi đó, chính sách chống dịch cứng rắn và thị trường bất động sản gặp khó khiến kinh tế Trung Quốc nguy cơ giảm tốc.

Viễn cảnh ảm đạm đó đã xuất hiện dần trong năm nay. Giai đoạn lãi suất thấp, nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, địa chính trị ít biến động là những yếu tố then chốt mang lại nhiều thập kỷ tăng trưởng và giá cả ổn định cho thế giới. Tất cả những biến số này đã biến mất năm nay, khiến lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và thị trường tài chính tổn thất đến hàng nghìn tỷ.

Nhưng vẫn có những hy vọng cho năm tới. Fed có thể “hạ cánh mềm” (thuật ngữ chỉ việc đưa lạm phát giảm về mục tiêu mà không làm gia tăng thất nghiệp nghiêm trọng). Thời tiết ấm áp có thể giúp châu Âu thoát khỏi suy thoái. Và các dấu hiệu về khả năng điều chỉnh biện pháp chống dịch của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau nhiều năm thiệt hại bởi bệnh dịch, xung đột và khan hiếm nguồn cung, thật khó để lạc quan và chúng ta nên lưu ý đến những những rủi ro sau đây:

Lãi suất của Fed

Việc Fed thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ đã và đang làm tổn hại đến kinh tế Mỹ và thế giới. Các chi phí đi vay cao hơn, các ngành nhạy cảm với lãi suất từ bất động sản đến ôtô đang bị ảnh hưởng. Bloomberg Economics dự báo Mỹ suy thoái vào nửa cuối năm 2023. Hơn 2 triệu người Mỹ có thể sẽ mất việc.

FED liên tục tăng lãi suất làm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu
FED liên tục tăng lãi suất làm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu

Tình hình có thể tốt hơn nếu lạm phát biến mất nhanh chóng. Nhưng ngược lại, sẽ tệ hơn khi đại dịch khiến thị trường lao động rơi vào tình trạng khủng hoảng, đẩy “tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên” – mức độ thất nghiệp cần thiết để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát – lên cao hơn mức đã có trong những năm gần đây.

Rủi ro nợ công

Khi tốc độ tăng trưởng cao hơn lãi suất, chi phí đi vay ít hơn. Vì vậy, các chính phủ đã tích cực vay nợ. Tổng nợ của nhóm G7 tăng từ 81% GDP năm 2007 lên 128% GDP năm nay.

Nhưng giờ tăng trưởng đang chậm lại còn lãi suất thì đi lên, có nghĩa là chi phí đi vay ngày càng đắt đỏ trong lúc đến hạn trả nợ. Vì vậy, một số nền kinh tế lớn có thể rơi vào quỹ đạo nợ không bền vững, trừ khi họ thực hiện những điều chỉnh tài khóa khó khăn.

Năng lượng cho châu Âu

Việc ủng hộ Ukraine đã khiến lục địa này rơi vào tình trạng thiếu khí đốt và giá điện tăng vọt. Bloomberg Economics dự báo, chi phí năng lượng cao và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất sẽ đẩy khối này vào suy thoái, với GDP giảm 0,1% vào năm 2023.

Giá dầu thô đã giảm từ mức cao nhất gần 130 USD một thùng trong nửa đầu năm nay nhưng rủi ro từ các biện pháp trừng phạt mới với Nga, nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC, có thể đẩy nó tăng trở lại vào năm sau, mở ra thử thách mới cho vấn đề năng lượng của châu Âu.

Sức khỏe của Trung Quốc

Bloomberg Economics dự báo kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 5,7% cho năm 2023. Nếu mở cửa lại nền kinh tế sau dịch, động lực tăng trưởng sẽ bù đắp được cho lực cản từ bất động sản suy yếu. Tuy nhiên, với chính sách Zero Covid như hiện nay thì liệu nước này sẽ có thay đổi chính sách chống dịch hay không vẫn chưa rõ.

Chính sách 'Zero Covid' của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều nước
Chính sách ‘Zero Covid’ của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều nước

Nếu tăng trưởng của Trung Quốc vẫn chậm lại thì sẽ gây ảnh hưởng khắp thế giới. Trong đó, chịu tác động lớn sẽ là các láng giềng của nước này và những nhà sản xuất hàng hóa lớn như Australia và Brazil. Việt Nam cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu hàng hóa.

Những rủi ro khác

Còn nhiều yếu tố tiềm tàng khác có thể ảnh hưởng đến kinh tế thế giới năm sau. Đầu tiên là mối quan hệ giữa các cường quốc. Cuộc đối đầu với Nga khiến châu Âu thiếu năng lượng là một ví dụ về sự rạn nứt địa chính trị.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng chưa ấm lại. Mối quan hệ thương mại bị rạn nứt là một lực cản khiến tăng trưởng chậm lại ở cả hai nước.

Một rủi ro khác là thị trường bất động sản nhiều nơi đang dễ tổn thương. Dòng tiền thắt chặt đồng nghĩa với việc thị trường nhà ở trên toàn thế giới đã đến thời kỳ khủng hoảng. 

Ngoài ra, còn có những rủi ro không nằm gọn trong bất kỳ nhóm nào đã nêu. Một biến thể mới, nguy hiểm hơn của Covid-19 sẽ là một đòn giáng mạnh. Lũ lụt gần đây ở Pakistan – ảnh hưởng đến 33 triệu người và đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng – cho thấy tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan dự kiến trở nên thường xuyên hơn khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên.

Nhưng cuối cùng, vẫn có một ưu điểm tiềm năng là tâm lý các nhà đầu tư. Nếu họ nhận ra được đỉnh lãi suất của Fed và đáy của tăng trưởng Trung Quốc, họ có thể thúc đẩy các đợt phục hồi của thị trường bằng cách đặt cược vào một tương lai tươi sáng hơn, ngay cả khi hiện tại có vẻ ảm đạm.

Tham khảo thêm về những thông tin về sự kiện kinh tế khác cùng Nhượng Quyền Việt, xem tại đây!

Để quảng cáo thương hiệu nhượng quyền, đăng tin cho thuê mặt bằng, đăng tin tuyển dụng vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua  hello@nhuongquyenviet.vn

Rate this post
Translate »