Công thức định giá sản phẩm để luôn thu lợi nhuận

Công thức định giá sản phẩm để luôn thu được lợi nhuận

Làm thế nào để đặt được một mức giá sản phẩm phù hợp vừa đảm bảo thu được lợi nhuận cao vừa không khiến cho khách hàng của bạn “chạy mất dép” vì giá quá “chát”. Giá như thế nào mới là hợp lý đây?

Khi mới bắt đầu kinh doanh hay chuẩn bị ra mắt một sản phẩm mới, vấn đề này có thể sẽ làm bạn cảm thấy khó khan. Với công thức này, bạn có thể áp dụng đặt cho giá bán lẻ hoặc giá bán sỉ hay cả hai.

Tính giá vốn (giá gốc) cho sản phẩm của bạn

Giá vốn (giá gốc) của sản phẩm (còn được gọi là Cost of goods sold – COGS) là tổng chi phí bao gồm phí sản xuất hoặc nhập sản phẩm (còn được gọi là giá thành của sản phẩm) và bất kỳ chi phí bổ sung nào cần thiết, chẳng hạn như phí nhân công, vận chuyển, xử lý, marketing,…

Để hàng được sẵn sàng bán. Hiểu một cách đơn giản hơn là giá vốn (giá gốc) của sản phẩm có thể được xác định với công thức tính như sau:

Giá gốc (giá vốn) = Giá thành sản phẩm (Chi phí sản xuất/nhập sản phẩm) + Chi phí phát sinh khác nếu có (chi phí nhân công, đóng gói, vận chuyển, marketing,…)

 Nghiên cứu thị trường, phân khúc khách hàng của bạn

Trước khi bạn muốn đặt giá bán cho bất kỳ sản phẩm bán lẻ nào, hãy xác định rõ phân khúc thị trường mà bạn đang nhắm đến. Ví dụ: hàng của bạn thuộc lĩnh vực nào, là hàng cao cấp, hướng đến khách hàng giàu có? Hay hàng của bạn là hàng bình dân, phù hợp với khách hàng có thu nhập trung bình – khá?

Nên nhớ, chỉ khi nắm bắt được khách hàng tiềm năng cụ thể thì bạn mới có thể dựa theo đó để đưa ra mức giá lợi thế cạnh tranh cho bản thân.

Tùy vào khách hàng của bạn có những hành vi tiêu dùng ra sao, ví dụ như chỉ quan tâm về giá cả hay về chất lượng sản phẩm. Khả năng ngân sách chi trả của họ cho việc mua sắm là bao nhiêu?

Công thức định giá sản phẩm để luôn thu được lợi nhuận

Hãy tổng kết tất cả những dữ liệu đó lại, bạn sẽ có thể đưa ra được mức giá phù hợp, đánh trúng tâm lý khách hàng.

Xác định mức lợi nhuận mà bạn mong muốn

Có một mẹo nhỏ và đơn giản mà có lẽ ai cũng thường áp dụng vào công thức định giá sản phẩm. Đó chính là bắt đầu lấy từ giá gốc của bạn rồi nhân gấp đôi lên để ra giá bán. Đây là cách làm an toàn và phổ biến nhất. Nó đảm bảo mức lợi nhuận bán hàng của bạn luôn thu về được là 100%.

Tuy nhiên, trong phân khúc bán lẻ, còn tùy vào từng ngành hàng và mô hình kinh doanh của bạn để tùy chỉnh giá bán mang về lợi nhuận bao nhiêu là phù hợp.

Thường với các nhà sản xuất trực tiếp hay các thương hiệu lớn, họ sẽ nhắm đến mức lợi nhuận vào khoảng 30 – 50%. Họ có thể chấp nhận mức lợi nhuận thấp để đạt được những mục tiêu khác.

Công thức định giá sản phẩm để luôn thu được lợi nhuận

Trong khi các nhà bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng thì sẽ luôn nhắm đến mức lợi nhuận cao nhất có thể, vào khoảng 55 – 100%. Vậy nên, để có được giá bán sau cùng cho sản phẩm dù là bán sỉ hay bán lẻ thì bạn cần xác định mức lợi nhuận bạn mong muốn thu về được.

Đặt giá sản phẩm bán lẻ (giá niêm yết)

Sau khi xác định được lợi nhuận mong muốn thì bạn sẽ tính ra được giá bán sau cùng với công thức như sau:

Giá bán lẻ = [Giá gốc/vốn + (Giá gốc X  % lợi nhuận mong muốn)]

Ví dụ như 1 sản phẩm giá gốc của bạn là 50.000 VND, bạn muốn thu lợi nhuận 100%, vậy thì bạn sẽ có giá bán là: [50.000 + (50.000 X 100%)] = 100.000 VND

Ở bước này, chúng ta vừa áp dụng công thức định giá sản phẩm để ra được giá bán sau cùng theo như mức lợi nhuận mà bạn kỳ vọng. Nếu như bạn đơn thuần chỉ là bán lẻ, mua đi bán lại và giá bán sau cùng bạn đưa ra đã hợp lý, phù hợp và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thì bạn có thể bắt đầu bán hàng rồi đấy.

Tốt nhất, để chắc chắn, bạn cần nghiên cứu xem các đối thủ, các nhà bán lẻ khác đang bán với mức giá bao nhiêu. Từ đó, bạn có thể so sánh và xem lại giá bán sản phẩm sau cùng của mình có khả thi hay không.

Nếu như mức giá bạn đưa ra quá cao so với mặt bằng chung trên thị trường hay vượt quá khả năng chi trả của phân khúc khách hàng bạn đang nhắm đến. Bạn nên xem xét, điều chỉnh lại, chấp nhận một mức lợi nhuận thấp hơn để bán được hàng.

Lưu ý

Bạn cũng nên lưu ý, đừng nhầm lẫn giá gốc (giá vốn) với giá thành để tính ra giá bán. Đã có nhiều trường hợp, chủ kinh doanh dùng giá thành nhân lên gấp đôi, gấp 3 hoặc gấp 4 lần để ra giá bán. Họ nghĩ rằng mình đang có mức lời rất “khủng”.

Tuy nhiên, đó chỉ là sự ngộ nhận. Trên thực tế, doanh thu bán hàng sau khi thu về, phần lợi nhuận trong đó vẫn tiếp tục bị trừ thêm các khoản chi phí khác dẫn đến bạn không lời như bạn tưởng.

Đặt giá bán sỉ

Nếu bạn là nhà sản xuất trực tiếp và cùng một lúc bạn vừa bán lẻ vừa bán sỉ thì bạn sẽ làm tiếp bước này. Vấn đề khi đặt giá sỉ là làm sao để không ảnh hưởng lợi nhuận giữa giá bán sỉ và bán lẻ. Đồng thời, giá bán lẻ của bạn cũng không gây ảnh hưởng về sự xung đột lợi ích với các đối tác bán lẻ khác đang lấy hàng của bạn về bán.

Tất nhiên, khi bạn bán sỉ, số lượng sản phẩm trong mỗi đơn hàng sẽ rất nhiều. Điều này cho phép bạn có thể bán sản phẩm với giá thấp hơn. Lúc này, để đặt được giá sỉ, bạn nên chia theo khung số lượng sản phẩm để có nhiều mức giá sỉ.

Tùy theo số lượng sản phẩm trên đơn hàng mà đối tác đặt, họ sẽ được hưởng mức giá chiết khấu khác nhau, lấy càng nhiều giá càng rẻ. Như vậy bạn cũng sẽ có được chính sách giá sỉ đa dạng cho nhiều đối tác. Dù là vốn ít hay vốn nhiều thì họ vẫn có thể lấy hàng từ bạn.

Công thức định giá sản phẩm để luôn thu lợi nhuận

Gợi ý cho bạn là khi vừa bán lẻ và bán sỉ thì bạn có thể đẩy giá bán lẻ lên cao để tránh gây ảnh hưởng xung đột về giá cho các đối tác của bạn khi lấy hàng về bán. Giả sử bạn muốn mức lợi nhuận thu về trên giá bán lẻ là 80%. Vậy bạn có thể chia ra các mức lợi nhuận còn lại cho giá sỉ dựa trên số lượng sản phẩm đặt mua như sau:

Ví dụ:

Một sản phẩm của bạn có giá gốc là 30.000 VND, lợi nhuận bạn mong muốn là 80%. Vậy giá bán lẻ là [30.000 + (30.000 X 80%)]  = 54.000 VND. Các mức giá bán sỉ theo số lượng sản phẩm mà đối tác đặt mua sẽ được tính như sau:

Mua từ 3 đến 10 cái: mức lợi nhuận thu về là 70%/sản phẩm => giá bán sỉ 1 cái là: [30.000 + (30.000 X 70%)] = 51.000 VND/cái

Mua từ 11 đến 30 cái giá bán: mức lợi nhuận thu về là 60%/sản phẩm => giá bán sỉ 1 cái là: [30.000 + (30.000 X 60%)] = 48.000 VND/cái

Mua từ 31 – 50 cái giá bán: mức lợi nhuận thu về là 50%/sản phẩm => giá bán sỉ 1 cái là: [30.000 + (30.000 X 50%)] = 45.000 VND/cái

Mua từ 100 cái trở lên: mức lợi nhuận thu về là 40%/sản phẩm => giá bán sỉ 1 cái là: [30.000 + (30.000 X 40%)] = 42.000 VND/cái

Cứ theo công thức lũy tiến này thì cứ đối tác mua càng nhiều thì giá càng giảm. Đồng thời, bạn vẫn luôn kiểm soát được lợi nhuận tối thiểu bạn thu về là bao nhiêu khi bán sỉ. Tất nhiên không nhất thiết bạn phải rập khuôn theo khung số lượng sản phẩm và mức lợi nhuận như trên mà hoàn toàn có thể tùy biến sao cho hợp lý.

Miễn bạn luôn lấy mức lợi nhuận trên giá bán lẻ làm điểm xuất phát. Và mức giá bán lẻ đề xuất của bạn cũng đảm bảo không làm ảnh hưởng, gây xung đột về lợi ích đối với các đối tác nhập hàng của bạn. Như vậy, bạn sẽ có thêm nhiều khách hàng hơn.

Lời kết

Trên đây là công thức định giá sản phẩm cơ bản và đơn giản nhất. Dành cho những người mới bắt đầu và chưa có kiến thức chuyên sâu về việc kinh doanh.

Ngoài ra hiện nay còn có rất nhiều phương pháp định giá sản phẩm như: định giá xuất phát từ chi phí cho sản phẩm, định giá dựa theo sự cạnh tranh, định giá theo marketing,… mà mọi người có thể tìm hiểu và tham khảo.

Có người nói định giá sản phẩm là cả một nghệ thuật trong việc bán hàng, đây không phải là việc khó khăn nhưng cũng không hề đơn giản. Nếu bạn không chú trọng cho nó thì sẽ rất ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh sau này.

Dù sao, khi mới bắt đầu, chúng ta có thể đi từ những bước đơn giản nhất, sau đó tích lũy dần kinh nghiệm để cải thiện bản thân hơn.


Tham khảo thêm về những thương hiệu nhượng quyền khác cùng Nhượng Quyền Việt, xem tại đây!

Để quảng cáo thương hiệu nhượng quyền, đăng tin cho thuê mặt bằng, đăng tin tuyển dụng vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua hello@nhuongquyenviet.vn

Rate this post
Translate »