Bài học cho các doanh nghiệp Việt nhìn từ mô hình nhượng quyền của Phở 24

Bài học cho các doanh nghiệp Việt nhìn từ mô hình nhượng quyền của Phở 24

Hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại đã được nhiều nước áp dụng rộng rãi vì nó giúp các doanh nghiệp thừa hưởng kinh nghiệm cũng như bí quyết tổ chức kinh doanh của các thương hiệu có sẵn, từ đó tiết kiệm được thời gian quý giá khi phát triển hệ thống của mình.

Những cái tên như KFC, Carvel, Jollibee, McDonald’s, Pizza Huts… có mặt ở rất nhiều nước khác nhau trên thế giới và chúng chính là những hệ thống nhượng quyền trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, tuy mới xuất hiện không lâu nhưng hình thức kinh doanh bằng mô hình nhượng quyền cũng đã thể hiện được tiềm năng lớn lao của nó và đang hấp dẫn giới đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.

Phở 24 là một trong những mô hình nhượng quyền điển hình ở Việt Nam

Thương hiệu là một sản phẩm, dịch vụ hay tổ chức, có tên gọi, nhận diện và uy tín đã được công nhận.Thương hiệu được xem như “con át chủ bài” của doanh nghiệp. Nó không đơn thuần chỉ là một tên gọi cho công ty, mà còn là một thông điệp đầy ý nghĩa gắn liền với công ty xuyên suốt quá trình kinh doanh khi doanh nghiệp còn tồn tại trên thị trường. Một thương hiệu mạnh có thể đưa doanh nghiệp lên đỉnh cao, giúp đạt mục tiêu kinh doanh hiệu quả và dễ dàng.

Vài nét về thương hiệu Phở 24

Khởi nguồn ý tưởng kinh doanh Phở 24

Điểm nổi bật tạo nên sự khác biệt của Phở 24 là từ tô phở bình dân của người Việt, Phở 24 đi vào nhà hàng, biến thành món ăn sang trọng và quan trọng nhất là đảm bảo vệ sinh. Trong khi vệ sinh an toàn thực phẩm là điểm yếu của các quán phở truyền thống ở Hà Nội. Nhờ nắm vững tâm lý coi trọng sức khỏe và sự sạch sẽ của thực khách, Phở 24 đã từng bước chinh phục thị trường trong nước và dần dần tiến sang cả thị trường quốc tế.

Trải qua nhiều bước phát triển, thay đổi và đặc biệt là sau thương vụ “bán lại” cho Công ty CP Việt Thái Quốc tế (Công ty Việt Thái) – đơn vị sở hữu thương hiệu đình đám tại Việt Nam Highlands Coffee, thương hiệu Phở 24 vẫn giữ được vị trí nhất định trên thị trường Việt Nam và quốc tế.

Hệ thống nhà hàng nhượng quyền đồng bộ, thống nhất

Phở 24 có tổng lượng vốn đầu tư vừa phải, phù hợp với lượng vốn các nhà đầu tư Việt Nam. Khi chọn lựa đối tác để nhượng quyền, Phở 24 xem xét rất kĩ về khả năng tài chính, mức độ quan tâm đến lĩnh vực mà Phở 24 kinh doanh, kiến thức và kinh nghiệm tham gia nhượng quyền của đối tác, tình hình kinh tế-xã hội ở khu vực hoặc ở quốc gia của đối tác, sau đó mới đi đến quyết định có nên hợp tác nhượng quyền hay không.

Ngoài ra, khi bắt đầu thâm nhập vào một thị trường mới, những vị trí mà Phở 24 đặt làm cửa hàng đầu tiên đều là những vị trí đắc địa, thuộc khu vực trung tâm sầm uất của cả Việt Nam và quốc tế, đi thẳng và đối tượng khách bản xứ, không cần phải qua bước trung gian là từ cộng đồng người Việt ở hải ngoại (nếu là nhượng quyền quốc tế), chấp nhận tiền thuê mặt bằng cao gấp 5-7 lần so với thuê ở khu vực ngoại thành.

Theo ông Lý Quý Trung (chủ sở hữu cũ của Phở 24), một thương hiệu ẩm thực thành công sớm muộn gì cũng phải thành công ở dòng chính.Quan điểm của ông là phải đi vào dòng khách hàng chính, dám đầu tư, không đi loanh quanh tìm hiểu trước khi dấn thân.Hơn nữa, nếu chuẩn bị việc kinh doanh thật kỹ, dòng chính sẽ là dòng tránh được rủi ro hơn, chi phí cao nhưng xác suất thành công cũng cao nhất. Nhờ có những hoạch định vững chắc như vậy mà tốc độ nhượng quyền của Phở 24 cực kì nhanh và lợi nhuận thu về cũng rất cao. Mô hình nhượng quyềncủa Phở 24 được nhắc đến như một tấm gương đi tiên phong theo mô hình nhượng quyền thương mại, trở thành bài học kinh nghiệm quý giá cho các doanh nghiệp Việt Nam khác

Nắm bắt được đối với ngành kinh doanh ẩm thực, chủ quán đóng một vai trò cực kì quan trọng nên Phở 24 đã đưa việc nghiên cứu hồ sơ, phỏng vấn để lựa chọn đối tác mua nhượng quyền lên hàng đầu.

Phở 24 có chương trình đào tạo cho đối tác mua nhượng quyền bao gồm thời gian 2 đến 3 tuần huấn luyện tại trung tâm của của tập đoàn dưới hình thức lớp học lý thuyết và thực hành ngay cửa hàng phở hoạt động. Phía đối tác mua nhượng quyền được yêu cầu gửi ít nhất một nhân viên quản lý, một nhân viên bếp và một đại diện chủ đến trung tâm để được huấn luyện miễn phí.

Bài học cho các doanh nghiệp Việt nhìn từ mô hình nhượng quyền của Phở 24

Các nhân viên này sau đó sẽ cùng với đội ngũ chuyên gia của tập đoàn huấn luyện toàn thể nhân viên còn lại của cửa hàng nhượng quyền. Đội ngũ chuyên gia của tập đoàn này sẽ có mặt tại cửa hàng nhượng quyền trước và sau ngày khai trương ít nhất 3 ngày. Điều này sẽ đảm bảo được chất lượng Phở 24 đồng đều và ổn định trong suốt cả hệ thống, không có sự bất đồng trong quản lí và phục vụ giữa nhà hàng này với nhà hàng khác.

Hạn chế

Mô hình kinh doanh bị sao chép

Trên thực tế, có nhiều cửa hàng phở được mở ra theo kiểu bắt chước mô hình của Phở 24.

Năm 2006, tại thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện Phở 5 sao với cách trang trí bảng hiệu, nội thất, màu sơn tường, tông màu bàn ghế, quầy rượu, đèn trang trí, tông màu xanh chủ đạo của nhãn hiệu, trang phục của đầu bếp trong quán phở đều rất giống Phở 24. Nhìn chung, trừ nhãn hiệu/logo ra, mọi cách thiết kế, sắp đặt, bài trí của Phở 5 sao giống của Phở 24 đến khó phân biệt. Điều này đã khiến nhiều khách hàng nhầm lẫn và ảnh hưởng đến uy tín của Phở 24.

Trong khi đó, tại Hà Nội, Phở 24 lại vướng vào vụ cạnh tranh với Phở Vuông, cũng trùng tông màu xanh chủ đạo và cách sắp xếp, trang trí thiết kế nội thất tương tự Phở 24. Đặc biệt, Phở Vuông còn có vị trí cửa hàng ngay gần Phở 24 khiến những ai muốn tìm đến Phở 24, nếu không để ý có thể sẽ nhìn nhầm và vào Phở Vuông.

Thông tin cung cấp cho nhà đầu tư chưa đầy đủ

Cung cấp thông tin đầy đủ cho các nhà đầu tư tiềm năng là điều kiện cần thiết để thu hút các đối tác mua nhượng quyền Phở 24. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa chú trọng thực sự vào vấn đề này.

Hiện nay, thông tin quảng cáo về Phở 24 trên website chính thức pho24.com.vn còn chưa được phong phú, hình ảnh giới thiệu về cửa hàng, sản phẩm rất ít, không có bảng giá tham khảo khiến người xem không thể có căn cứ so sánh với các thương hiệu khác và khó có thể đưa ra quyết định nên mua sản phẩm hay đầu tư vào mua nhượng quyền hay không.

Facebook hiện nay đang là kênh quảng cáo rất mạnh mà hầu như tất cả các thương hiệu lớn đều quan tâm đến và hầu hết các nhãn hiệu kinh doanh đồ ăn nhanh lớn tại Việt Nam (ví dụ như KFC, Lotteria, Pizza Hut…) đều có kênh Fanpage riêng, được đóng dấu tích chữ “V” màu xanh để xác thực tài khoản chính chủ và có cả một hệ thống quản lí chăm sóc đặc biệt cho kênh này.

Tuy nhiên, nếu ghé thăm Fanpage của Phở 24 sẽ thấy kênh quảng cáo này của Phở 24 hầu như không được chăm sóc kĩ lưỡng, hình ảnh nghèo nàn, tin tức không được cập nhật liên tục. Đây là một trở ngại lớn cho Phở 24 trong việc quảng bá hình ảnh đến người tiêu dùng và đối tác nhượng quyền.

Khó khăn trong việc đa dạng hóa sản phẩm

Phở 24 còn bị vướng phải một trở ngại lớn bởi chính cái tên của nó. Các hãng thức ăn nhanh khác như KFC, Lotteria… có thể mở rộng thực đơn, đa dạng hóa hoặc địa phương hóa các sản phẩm của họ một cách dễ dàng để thu hút thực khách, làm hài lòng khẩu vị của người dân bản địa một cách đơn giản.

Bài học cho các doanh nghiệp Việt nhìn từ mô hình nhượng quyền của Phở 24

Điển hình như KFC khi vào Việt Nam đã mở rộng thêm một số món cho phù hợp với ẩm thực Việt Nam như cơm, canh… hoặc không chỉ bán mỗi gà mà có thêm một số món cá. Tuy nhiên, điều tưởng chừng như đơn giản này lại là bài toán nan giải với Phở 24 vì bản thân cái tên là “Phở” nên khi đa dạng hóa thực đơn ra thành bún, cuốn, cơm rang… sẽ rất dễ làm mất đi bản sắc thương hiệu của chính mình.

Hơn thế nữa, chính điều này sẽ gây khó khăn cho Phở 24 vì trong trường hợp Phở 24 gặp biến cố, cần phải chuyển đổi mặt hàng kinh doanh, việc xoay sang bán mặt hàng khác gần như là điều không thể chỉ vì tên thương hiệu.

Lợi thế cạnh tranh không bền vững

Phở 24 ban đầu có thể gây ấn tượng với khách hàng bởi sự sạch sẽ, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, cơ sở vật chất tốt, đặc biệt là có lắp điều hòa, điều mà các quán phở bình dân trước đây chưa hề làm được. Nhưng về mặt lâu dài, lợi thế cạnh tranh này của Phở 24 không bền vững.

Lợi thế cạnh tranh nổi bật của Phở 24 chỉ là “sạch sẽ, phục vụ chuyên nghiệp” nhưng vấn đề hương vị chưa được đánh giá cao. Điều này không có nghĩa là Phở 24 không ngon nhưng trên thị trường đã có quá nhiều loại phở gia truyền với những công thức nấu nướng gia truyền đặc biệt, có thể sẽ áp đảo Phở 24 về hương vị.

Giá cả chắc chắn không phải là lợi thế của Phở 24 vì giá một tô Phở 24 thường cao hơn giá phở bình dân rất nhiều. Như vậy, lí do để khách hàng gắn bó lâu dài với Phở 24 vẫn còn mơ hồ. Ban đầu khách hàng có thể đến với Phở 24 vì không khí sạch sẽ, mát mẻ nhưng nếu hương vị không có nét hấp dẫn riêng thì không thể nào giữ chân thực khách lâu được. Thị trường trong nước đã gặp hạn chế như vậy, chắc chắn khi nhượng quyền ra nước ngoài, Phở 24 cũng không thể tránh khỏi những hạn chế khác.

Bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam từ mô hình nhượng quyền của Phở 24

Bài học rút ra từ thành công của mô hình nhượng quyền Phở 24

Xây dựng và bảo vệ được bản sắc thương hiệu (bao gồm nhãn hiệu)

Phở 24 thành công được tại nước ngoài vì biết tạo nên sự khác biệt giữa sản phẩm của mình với sản phẩm của các hãng thực phẩm, đồ ăn nhanh khác. Phở 24 xây dựng thành công được chất riêng của thương hiệu từ không khí cửa hàng, trang trí nội thất cửa hàng, phong cách phục vụ đến logo, nhãn hiệu đều toát lên phong cách thuần Việt.

Câu chuyện đằng sau tên gọi Phở 24 hay những câu chuyện thành công về người chủ sở hữu Lý Quý Trung từng một thời nổi tiếng trên các mặt báo nước ngoài đã góp phần tạo nên một dấu ấn đặc biệt về Phở 24 trong lòng người tiêu dùng, vì thế mà thương hiệu có khả năng cạnh tranh với những thương hiệu khác.

Xây dựng hệ thống quản lí kiểm soát chặt chẽ sau nhượng quyền

Trong nhượng quyền thương mại, kí kết hợp đồng xong không có nghĩa là thương vụ làm ăn đã chấm dứt. Tiếp theo đó, doanh nghiệp nhượng quyền vẫn phải tiếp tục thực hiện quy trình hỗ trợ đào tạo bên nhận quyền, theo dõi, kiểm tra và giám sát chất lượng để kịp thời phát hiện những điểm bất đồng, tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong cả chuỗi nhà hàng nhượng quyền.

Hình thức nhượng quyền đòi hỏi phải kiểm tra liên tục và nếu bên nhận nhượng quyền không đáp ứng được các tiêu chuẩn kiểm soát bắt buộc của bên nhượng quyền thì phải kết thúc hợp đồng, nếu không muốn đánh mất hình ảnh thương hiệu.

Thành công của Phở 24 là đã đảm bảo được sự thống nhất, đồng bộ trong cả hệ thống, khiến cho khách hàng dù bước vào quán Phở 24 ở khu vực nào, trên quốc gia nào cũng nhận được cùng một loại dịch vụ với chất lượng tốt như nhau. Đây là điều mà các doanh nghiệp khi tham gia nhượng quyền cần phải học tập.

Tìm kiếm đối tác nhận quyền phù hợp

Một trong những thành công của Phở 24 khi tham gia nhượng quyền, đó là tốc độ nhượng quyền rất nhanh và lợi nhuận thu về cực kì lớn. Để làm được điều này, có sự đóng góp đáng kể của khâu lựa chọn, tìm kiếm đối tác nhận quyền phù hợp.

Kinh nghiệm của Phở 24 đã cho thấy, với đối tác bên nước Indonesia là ông Hery Santoso – Tổng giám đốc của Seamen tại Indonesia, một người rất yêu thích món ăn Việt Nam. Cách đây nhiều năm, khi qua Việt Nam công tác, ông đã tình cờ thấy mô hình Phở 24 và rất tâm đắc với mô hình này.Ông đã trở thành đối tác nhượng quyền đầu tiên của Phở 24 tại thị trường nước ngoài từ năm 2005.Indonesia được coi là thị trường nước ngoài thành công nhất của Phở 24.

Trái lại, trong trường hợp Phở 24 nhượng quyền cho đối tác nước Singapore, cửa hàng nhượng quyền của Phở 24 trên đất nước này đã phải đóng cửa sớm. Nguyên nhân là do công ty mua nhượng quyền gặp khó khăn về tài chính do khủng hoảng kinh tế kéo dài.

Khó khăn chồng chất tại công ty riêng của đối tác đã kéo theo sự xao nhãng trong kinh doanh tiệm Phở 24 tại đây. Lý Quý Trung – chủ thương hiệu Phở 24 quyết định kết thúc việc kinh doanh với đối tác Singapore vì không muốn kéo dài khó khăn, để dành nguồn lực tập trung cho việc khác.

Xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp

Trong nhượng quyền, vấn đề con người là vấn đề cực kì quan trọng.Nhượng quyền đòi hỏi sự phối hợp, hợp tác giữa nhiều bên. Doanh nghiệp nhượng quyền không chỉ cần quản lí, đào tạo nguồn nhân sự, cán bộ của chính mình mà còn cần có chương trình hỗ trợ, đào tạo cho phía doanh nghiệp nhận quyền. Phở 24 có chương trình đào tạo riêng, có đội ngũ chuyên gia giám sát, hỗ trợ cho đối tác mua nhượng quyền trước, trong và sau khi cửa hàng nhượng quyền đi vào hoạt động.

Bài học cho các doanh nghiệp Việt nhìn từ mô hình nhượng quyền của Phở 24

Như vậy, để nhượng quyền thành công, các doanh nghiệp nhượng quyền phải thực hiện huấn luyện, chuyển giao kinh nghiệm và phải đáp ứng được các nhu cầu cần thiết để chi nhánh nhượng quyền vận hành tốt.Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam lại khá yếu trong khâu này.

Như vậy, để nhượng quyền thành công, các doanh nghiệp nhượng quyền phải thực hiện huấn luyện, chuyển giao kinh nghiệm và phải đáp ứng được các nhu cầu cần thiết để chi nhánh nhượng quyền vận hành tốt.

Bài học rút ra từ hạn chế của mô hình nhượng quyền Phở 24

Chú trọng đến vấn đề luật pháp và quyền sở hữu trí tuệ

Khung pháp lý về nhượng quyền ở Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn cần được cải thiện, quyền sở hữu trí tuệ chưa được bảo vệ đúng mức, dẫn đến hiện tượng có những doanh nghiệp bị sao chép mô hình kinh doanh như Phở 24.

Mặc dù vẫn còn một số tồn tại trong hệ thống nhưng mô hình kinh doanh của Phở 24 đã chứng minh rằng nhượng quyền thương mại là một phương thức có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và quảng bá thương hiệu một cách nhanh chóng.

Mô hình nhượng quyền thương mại của Phở 24 là một điển hình kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam để các doanh nghiệp khác tham khảo.Những thất bại mà Phở 24 đã gặp phải cũng là bài học kinh nghiệm quý báu để các doanh nghiệp khác tránh khỏi sai lầm khi tham gia vào sân chơi nhượng quyền còn khá mới mẻ tại Việt Nam.


Tham khảo thêm về những thương hiệu nhượng quyền khác cùng Nhượng Quyền Việt, xem tại đây!

Để quảng cáo thương hiệu nhượng quyền, đăng tin cho thuê mặt bằng, đăng tin tuyển dụng vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua hello@nhuongquyenviet.vn

Rate this post
Translate »