Thách thức tăng trưởng của Việt Nam khi kinh tế toàn cầu bấp bênh

Thách thức tăng trưởng của Việt Nam khi kinh tế toàn cầu bấp bênh

Với các số liệu kinh tế được Tổng cục Thống kê công bố gần đây, nhiều ý kiến cho rằng kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi sau khi đã “giảm đáy” trong quý 2/2023. Vì thế, GDP quý 3/2023 được dự báo sẽ vượt xa mức tăng 4,14% của quý trước.

Một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế quý 3/2023 tích cực trở lại là do kinh tế của một số quốc gia trên thế giới đã có những chuyển biến tích cực hơn so với dự báo trước đó khi nhiều nền kinh tế không rơi vào tăng trưởng âm.

Những chuyển biến kinh tế tích cực

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1, quý 2 năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số nền kinh tế lần lượt là: Mỹ tăng 1,8% và 2,6%; khu vực châu Âu tăng 1,1% và 0,6% (không âm như dự báo trước đó); Trung Quốc tăng 4,5% và 6,3%; Ấn Độ tăng 6,1% và 7,8%; Nhật Bản cả 2 quý cùng tăng 2%; Singapore tăng 0,4% và 0,5%; Thái Lan tăng 2,6% và 1,8%; Indonesia tăng 5,0% và 5,2%…

Diễn biến kinh tế tích cực này đã tạo cơ sở để cải thiện các chỉ số về niềm tin người tiêu dùng và niềm tin kinh doanh. Tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế như Nhật Bản, Mỹ… được cải thiện, niềm tin người tiêu dùng liên tục được củng cố trong những tháng gần đây.

Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của các doanh nghiệp trên toàn cầu hiện cũng đã đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2022, phản ánh sự lạc quan mạnh mẽ về các hoạt động kinh doanh trong năm 2023.

Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của các doanh nghiệp trên toàn cầu hiện cũng đã đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2022
Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của các doanh nghiệp trên toàn cầu hiện cũng đã đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2022

Đặc biệt, chỉ số này hiện cũng đang ở mức cao tại nhiều nền kinh tế trên toàn cầu như tại Trung Quốc chỉ số BCI tháng 8/2023 đạt 49,7 điểm, cao hơn 0,6 điểm so với tháng trước; Ấn Độ đạt 132 điểm, cao hơn 6 điểm; Mỹ 47,6 điểm, cao hơn 1,2 điểm; Luxembourg 92,8 điểm, cao hơn 12,2 điểm; Cộng hòa Séc 93,9 điểm, cao hơn 2,8 điểm; Brazil 53,2 điểm, cao hơn 2,1 điểm…

Chỉ số BCI tăng lên lập tức tác động tới tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng 7 và 8/2023. Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu tháng 8/2023 đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước (dù vẫn giảm 7,6% so với cùng kỳ). Trước đó, xuất khẩu tháng 7/2023 cũng 4,4% so với tháng 6/2023 (giảm 9,9% so với cùng kỳ).

Cùng với sự phục hồi của cầu thế giới, cầu tiêu dùng trong nước cũng tăng trưởng mạnh. Trong 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm nay có đóng góp tích cực của bán lẻ hàng hóa, lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước đạt 3.175,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,5% tổng mức và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2023 ước đạt 436,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 15,6%.

Đặc biệt, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm 2023 ước đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 47% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch tăng cao trong mùa cao điểm và các địa phương cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu du dịch sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Các báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam được các định chế tài chính quốc tế công bố tháng 8/2023 cho thấy sau giai đoạn nửa đầu năm đối mặt với khó khăn, kinh tế quý 3/2023 sẽ phục hồi và tăng tốc trong quý 4/2023.

Theo đó, Báo cáo được Nhóm nghiên cứu kinh tế và thị trường của PwC Việt Nam công bố giữa tháng 8/2023 nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn được đánh giá tích cực với mức tăng trưởng GDP năm 2023 dự kiến trên 5%.

Việt Nam được đánh giá tích cực

Ngân hàng HSBC cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 5%, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng dự báo được ngân hàng này đưa ra cho Indonesia (4,6%), Malaysia (4,3%), Singapore (1,8%) hay Thái Lan (3,7%)…

Đặc biệt, trong Báo cáo Điểm lại tháng 8/2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, WB dự báo nền kinh tế trong năm sẽ tăng trưởng ở mức 4,7%, sau đó phục hồi dần lên 5,5% và 6% vào các năm 2024 và 2025.

Dù dự báo tăng trưởng của Việt Nam được đánh giá khá tích cực, song trước những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, các định chế tài chính quốc tế đều điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay giảm so với dự báo trước đó.

“Lý do là bởi nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh. Những động lực giúp phục hồi kinh tế toàn cầu chưa thực sự rõ nét. Hơn nữa, lực cản từ chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn đang ngày càng rõ ràng, đặc biệt trong các hoạt động có yếu tố lãi suất nhạy cảm hơn như đầu tư kinh doanh và nhà ở, bao gồm cả xây dựng”, báo cáo WB nhận định.

Thậm chí, trong Báo cáo Triển vọng kinh tế tháng 6/2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) còn nhận định, mặc dù đã có những dấu hiệu cải thiện, nhưng triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn yếu và lạm phát kéo dài trong bối cảnh rủi ro nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo đạt 2,7%, tốc độ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Cùng với việc nhiều quốc gia đã thực hiện nâng lãi suất và các biện pháp để kìm giữ lạm phát nên sự phục hồi và phát triển kinh tế bị chậm lại, nhu cầu của nền kinh tế thế giới sẽ sụt giảm, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu cũng sụt giảm, hoạt động thương mại quốc tế tiếp tục suy giảm trong nửa cuối năm 2023.

Vì vậy, các định chế tài chính đều cho rằng với một nền kinh tế mở như Việt Nam cần cẩn trọng với những diễn biến bất lợi từ tình hình thế giới, bởi “Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức do thương mại gây ra, trái ngược với sự ổn định ở Philippines và Thái Lan” (theo HSBC).

WB khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công bởi đây là yếu tố Việt Nam có thể chủ động và điều chỉnh phù hợp với mục tiêu tăng trưởng
WB khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công bởi đây là yếu tố Việt Nam có thể chủ động và điều chỉnh phù hợp với mục tiêu tăng trưởng

Theo tính toán của WB, ngân sách đầu tư công theo kế hoạch, nếu được triển khai đầy đủ sẽ nâng đầu tư công lên 7,1% GDP trong năm 2023 so với mức 5,5% GDP dự toán trong năm 2022, từ đó đóng góp cho tổng cầu ở mức 0,4% GDP.

Chính phủ đã lên kế hoạch nâng đầu tư công thêm 38% (so cùng kỳ) cho năm 2023 – tương đương 1,6% GDP (thông qua Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế 2022-2023). Công tác triển khai đang được đẩy nhanh, khi giải ngân vốn đầu tư công ước tăng tới 43,3% so cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2023.

“Nền kinh tế Việt Nam đang gặp thách thức từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, qua đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế,” bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết.

Cứu cánh đầu tư công

Mặc dù vậy, đầu tư công của Việt Nam vẫn chưa đạt như kỳ vọng, kể cả về tiến độ lẫn hiệu suất. Do vậy, WB khuyến nghị để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, giải pháp mang tính thực tiễn là bóc tách giải phóng mặt bằng/tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, nhất là với các dự án lớn.

Các bộ, ngành trung ương và các tỉnh cần xây dựng các cơ chế có hệ thống và được số hóa để xác định các dự án có rủi ro cao về chậm trễ, không hoàn thành và hợp lý hóa các quy trình, thủ tục điều chỉnh hoặc chấm dứt dự án.

Để hợp lý hóa thể chế quan hệ tài khóa giữa các cấp chính quyền, WB khuyến nghị Chính phủ cân đối lại cơ cấu ngân sách đầu tư công theo hướng dịch chuyển một phần từ cấp địa phương sang cấp trung ương.

Theo đó, tăng cường lập ngân sách theo chiến lược và theo chương trình, thay vì theo danh mục dự án đơn lẻ, thông qua việc cải thiện cấu trúc phân loại, tổ chức, trình bày ngân sách và triển khai tốt hơn phương thức chương trình đầu tư công nhằm đẩy mạnh thực hiện định hướng chính sách (bao gồm phát triển vùng, chuyển đổi xanh, và chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, các hạn chế về cơ chế, thể chế đối với các dự án có tính liên tỉnh, liên vùng… cần được tháo gỡ trên cơ sở cơ chế chia sẻ và hợp vốn mới nên được thể chế hóa dựa trên công thức được xác định minh bạch, khoa học, trong đó lồng ghép những cân nhắc về huy động tài chính trong và ngoài nước.


Tham khảo thêm về những tin tức,sự kiện kinh tế khác cùng Nhượng Quyền Việt, xem tại đây!

Để quảng cáo thương hiệu nhượng quyền, đăng tin cho thuê mặt bằng, đăng tin tuyển dụng vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua hello@nhuongquyenviet.vn

4.2/5 - (4 bình chọn)
Translate »