Năm nay, thị trường trà sữa trân châu tại Mỹ ước tính có quy mô 640 triệu USD, con số này có thể đạt 2,2 tỷ USD trong 10 năm nữa.
Trong 2 năm gần đây, sự phổ biến của trà sữa trân châu trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, tăng vọt. Số liệu thương mại cho thấy năm 2022, trân châu là thực phẩm mà Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Đài Loan (Trung Quốc). Đây là sự thành công hiếm hoi hậu đại dịch, khi người tiêu dùng khắp nơi giảm chi cho đồ không thiết yếu, còn các quán ăn chật vật tồn tại.
Đồ uống này trở nên phổ biến do xuất hiện ngày càng nhiều ở các nền tảng video ngắn. Sự bùng nổ của ngành giải trí Hàn Quốc cũng là một nguyên nhân, khi các ca sĩ và diễn viên bày tỏ sự yêu thích với trà sữa.
Năm 2022, Mỹ nhập khẩu 30,5 kg trân châu và các sản phẩm tương tự. Đây là nhóm hàng hóa được giới chức Đài Loan dùng làm tham chiếu cho doanh số trà sữa trân châu. Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, 69% số này là nhập từ các công ty Đài Loan.
Xuất khẩu các sản phẩm trân châu của Đài Loan ra thế giới tăng 23% lên hơn 100 triệu USD năm 2021. Con số này gần gấp 3 lần nước xếp sau là Thái Lan, theo phân tích của Bloomberg với số liệu thương mại mới nhất của Liên Hợp quốc. Sản phẩm của Đài Loan thống trị thị trường Mỹ, dù đắt hơn 64% so với Thái Lan.
Trà sữa ra đời tại Đài Loan từ thập niên 80. Sản phẩm này đã có mặt tại Mỹ nhiều năm nay, nhưng chủ yếu bán trong các cửa hàng nhỏ phục vụ người châu Á. Hãng phân tích Future Market Insights ước tính thị trường tại Mỹ năm nay có quy mô 640 triệu USD, và sẽ đạt 2,2 tỷ USD trong 10 năm nữa.
Giai đoạn 2019 – 2022, 7 thành phố Mỹ ghi nhận số cửa hàng trà sữa tăng hơn 60%. Những thành phố này có cộng đồng người châu Á đông đảo. Chicago có mức tăng mạnh nhất, theo sau là Philadelphia.
Cơ hội phát triển trà sữa tại nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện cũng vượt xa Đài Loan. Sharetea – chuỗi cửa hàng trà sữa do Công ty kinh doanh thực phẩm đồ uống của Đài Loan (Lian Fa International Dining Business) vận hành – hiện có nhiều cơ sở tại Mỹ hơn Đài Loan.
Kung Fu Tea – thương hiệu thành lập ở New York – hiện cũng có 350 cửa hàng tại đây. Họ đặt mục tiêu doanh thu 240 triệu USD năm 2023, kể cả nhượng quyền. Đây hiện là chuỗi trà sữa lớn nhất tại Mỹ.
Một số thương hiệu đã chọn nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc nổi tiếng làm đại sứ. Quỹ đầu tư châu Á Unison Capital đã mua Gong Cha tại Hàn Quốc năm 2014 và đưa thương hiệu này ra quốc tế vài năm sau đó. Họ nhượng quyền cho TA Associates (Mỹ) với giá 350 tỷ won (270 triệu USD) năm 2019 – gần gấp 5 số tiền đầu tư ban đầu.
Trên TikTok, các video về trà sữa nhận hàng trăm nghìn lượt thích. Một số người nổi tiếng trên nền tảng này còn tạo ra các thử thách, như uống trà sữa đổ ngập trân châu. Năm ngoái, Lauren Godwin – người có hơn 22 triệu lượt theo dõi trên TikTok – đã làm video 33 giây về việc uống một cốc trà sữa khổng lồ. Video này nhận được gần 1 triệu lượt thích.
Số liệu từ Google Trends cho thấy mối quan tâm của người Mỹ với trà sữa tăng mạnh năm 2021, khi các hạn chế về Covid-19 được nới lỏng. Số lượt tìm kiếm tăng vọt hồi tháng 1, khi Google tạo ra game kỷ niệm 3 năm họ ra mắt emoji (biểu tượng) trà sữa.
Các nhà máy ở Đài Loan đang tăng công suất để ra mắt nhiều trà sữa hơn nữa. “Đài Loan có đầy đủ nguyên liệu. Anh chỉ có thể tìm được tất cả chúng ở đây”, Chia-Sheng Chen – Giám đốc hãng cung cấp nguyên liệu làm trà sữa Shang Dao Food cho biết.
Công ty này sẽ mở nhà máy tự động 100% tại Đài Loan tháng tới để đáp ứng nhu cầu. Nhà máy sẽ hoạt động 24/7, giúp tăng công suất lên gấp 3 với số nhân công chỉ bằng 30% các nhà máy khác, Chen cho biết. “Chúng tôi hy vọng thị trường Mỹ sẽ là bước đệm để trà sữa được phổ biến khắp thế giới”, ông nói.
Tham khảo thêm về những tin tức,sự kiện kinh tế khác cùng Nhượng Quyền Việt, xem tại đây!
Để quảng cáo thương hiệu nhượng quyền, đăng tin cho thuê mặt bằng, đăng tin tuyển dụng vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua hello@nhuongquyenviet.vn