Khởi nghiệp với số vốn 1 triệu, nghe như điều không tưởng đối với nhiều người trong chúng ta. Nhưng đó lại là một câu chuyện có thật về cuộc đời cô giáo trẻ Kim Thùy.
Bắt đầu kinh doanh chỉ với vỏn vẹn 1 triệu đồng, chỉ sau 4 năm, cô giáo Kim Thùy đã sở hữu một công ty về giáo dục, một trường mầm non và thậm chí còn khá nỗi tiếng trong giới bán hàng online. Bí quyết của cô là gì?
Khởi nghiệp với số vốn 1 triệu đồng
Chồng làm cả năm không được thanh toán lương nên quyết định chuyển chổ làm. Tổng tiền lương của 2 vợ chồng lúc đó chỉ vỏn vẹn 7,5 triệu đồng. Trừ các chi phí sinh hoạt, ăn uống, chăm bố bệnh… tháng đầu tiên chị dành dụm được 1 triệu đồng.
Muốn có con nhưng không dám sinh vì sợ không đủ điều kiện để trang trải các khoản chi phí, cô giáo Thùy quyết định lên kế hoạch khởi nghiệp với chính số vốn 1 triệu đồng mà 2 vợ chồng dành dụm được.
Hành trình tích tiểu thành đại
“Làm gì với số vốn 1 triệu?” là câu hỏi mà 2 vợ chồng mãi vẫn chưa tìm được câu trả lời. Lúc đấy, thấy nhiều người bán đồ lót rất có lời, cô mới nghĩ “hay là nhập một ít về bán nhỉ?”. Nghĩ là làm, 2 vợ chồng bắt đầu lên mạng để tìm kiếm thông tin về nguồn hàng. Sử dụng tất cả các từ khóa có thể nhưng cô vẫn chưa thể tìm ra một nguồn hàng tốt. Cuối cùng sau một hồi lân la nói chuyện, cô đã kiếm được nguồn hàng với giá phải chăng.
Lô hàng đầu tiên cô nhập chỉ có 700k, bình quân mỗi món hàng bán ra chỉ lời được 5k. “Giờ, nhiều bạn xin làm cộng tác viên mà thấy lãi 20.000 – 30.000/sản phẩm là chê. Còn mình hồi đó, chắc do nghèo quá nên lãi mấy ngàn cũng thấy rất to.” – Cô chia sẽ.
Cô cứ bán đến đâu nhập hàng đến đấy. Mỗi lần chỉ nhập vài ba trăm tiền hàng. Cứ tích lũy dần, Về sau có lãi nên tăng dần lên, sau 2 tháng đã có thể nhập đến 3 triệu tiền hàng..
Lúc 2 vợ chồng tích góp được “chút đỉnh” cũng là lúc cô gặp nạn. Trên đường về quê Thùy bị một chẳng may bị một người say rượu đâm phải, bị gãy chân phải điều trị đến 2 tháng, bao nhiêu tiền phải cho vào viện hết.
Thế nhưng, phần vì thương chồng cực khổ, phần vì mục tiêu đã đề ra cho nên khi vừa bắt đầu đi lại được là Thùy lại lo kiếm tiền. Trong tuần, cô vẫn là giáo viên lên lớp bình thường, nhưng đến ngày nghỉ là lao đi ship hàng, bất chấp nắng mưa, bởi “ngồi ở nhà mãi sao sống được, còn bao nhiêu thứ phải lo”.
Những bài học kinh doanh đầu tiên
Bài học về Upsale
Thùy kể, thời gian này cô có nhập thêm ít áo phông nam về bán. Đến khi giao hàng cho khách thấy khách bảo: “Ơ, áo này đẹp quá, em có mang màu tím không? Chị muốn mua thêm màu tím”, rồi khách đòi thêm màu này, màu kia nhưng có đâu.
Về nhà cô thầm nghĩ “Sao mình ngu thế nhỉ? Mỗi lần đi ship mang theo hàng có phải bán được thêm không?”. Từ hôm đó, dù khách chỉ mua 1 chiếc áo Thùy cũng mang cả bọc theo. Có hôm, cô bán một đơn được lãi tổng đến hơn 1 triệu đồng, dù ban đầu khách chỉ hỏi mua hai cái áo 200k.
Sau này, những đơn hàng khác Thùy vẫn duy trì, áp dụng cách bán hàng như vậy. Bởi cô nghĩ, ban đầu khách có thể chỉ định mua cho chồng, nhưng đem đến khách lại có nhu cầu mua cho bố, mua cho em chồng, mua cho em mình, mua tặng con cháu, người thân…
Về sau, cô nung nấu ý định mở một cửa hàng, cô lên Facebook để hỏi ý kiến mọi người xem có nên hay không nên mở cửa hàng. Có một câu nói đã khiến cô nhớ mãi: “Facebook của em là một cửa hàng lớn mà em không phải mất tiền thuê”. Và cũng chính câu nói này đã đưa cô đến con đường kinh doanh online
Khai thác tối đa các mối quan hệ
“Bán hàng online, người mua không cầm nắm được sản phẩm, mua bằng niềm tin. Vậy làm sao để lấy được niềm tin của khách hàng đây? Phải cho khách hàng thấy mặt mình, biết tên mình cái đã.”
Thùy thường xuyên tham gia các buổi offline, hội thảo của các nhóm, các tổ chức. Nhờ vậy cô làm quen được nhiều người, nhiều khách hàng mới, và cứ thế khách của cô ngày càng nhiều lên.
“Đến bây giờ mình vẫn thấy nhiều người nghĩ bán hàng online chỉ cần ngồi đăng và tư vấn khách thôi. Cách đó cũng có thể bán được cho người thân quen, nhưng thị trường bị bó hẹp. Muốn mở rộng khách hàng phải xách xe lên và đi. Nếu vượt qua được 10 cây số thì có thêm khách phạm vi 10 cây số, nếu vượt qua được quãng đường 50 cây số sẽ có thêm khách cách 50 cây số.” – Cô chia sẻ.
Thường xuyên mở rộng nguồn hàng
Kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau cho nên Thùy vẫn thường xuyên tìm kiếm những nguồn hàng đảm bảo hơn, ổn định hơn. Đặc biệt, cô còn tận dụng tất cả các nguồn hàng từ các mối quan hệ mà cô có được như bạn bè cùng lớp đại học, phụ huynh học sinh… Thậm chí trong nước chưa đủ cô còn tận dụng các mối quan hệ ở nước ngoài để tiếp tục phát triển niềm đam mê kinh doanh của mình.
Trở về với ước mơ khởi nghiệp
Khi công việc kinh doanh trở nên ổn hơn, tích lũy được ít vốn, cô bắt đầu mở lớp tiếng anh, rồi trường mầm non, rồi công ty về giáo dục và làm những thứ liên quan đến giáo dục. Bởi một lý do rất đơn giản “Mình yêu nghề dạy học. Đó cũng là ước mơ còn dang dở của bố mình mà ông đang muốn mình viết tiếp”
Có người từng hỏi cô: “Sao chị làm được nhiều việc thế mà vẫn hoàn thành hả chị?”. – “Vì chị làm hôm nay chứ không đợi ngày mai”.
Tham khảo thêm về những thương hiệu nhượng quyền khác cùng Nhượng Quyền Việt, xem tại đây!
Để quảng cáo thương hiệu nhượng quyền, đăng tin cho thuê mặt bằng, đăng tin tuyển dụng vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua hello@nhuongquyenviet.vn